Câu chuyện về cách chơi Pokemon Go của người Nhật khiến chúng ta phải suy ngẫm... - Di Động Thông Minh

04/03/2019 10882 Tác giả:
Có lẽ không nhiều người dân các nước cẩn thận như người Nhật, đến đi bắt Pokemon cũng phải đầy đủ dụng cụ và quy trình

Sau rất nhiều lần trì hoãn vì một số sự cố, cuối cùng ngày 22/7/2016, Pokemon Go cũng ra mắt ở Nhật. Có lẽ không cần phải nói chắc ai cũng biết rằng người Nhật ham mê nó đến như thế nào. Tại khắp các công viên, địa điểm công cộng của Nhật, người ta thấy đông nghẹt người đi bắt Pokemon.

Từ khu trung tâm điện tử Akihabara cho đến công viên Ueno hay kể cả nhiều miền quê của Nhật, đâu đâu cũng nhìn thấy người cầm điện thoại (chủ yếu là iPhone) nhìn chăm chú vào màn hình rồi đi đi chạy chạy, đến khi bắt được Pokemon thì hét lên vui vẻ. Rồi họ chia sẻ với nhau câu chuyện về chơi Pokemon của ngày hôm nay như thế nào.

Với những người Nhật vốn khép kín và thường không thích trao đổi về các vấn đề riêng tư cá nhân với nhau, Pokemon Go cũng đã làm được một việc tốt, đó là mang con người ta đến gần nhau hơn.

Có lẽ không nhiều người dân các nước cẩn thận như người Nhật, đến đi bắt Pokemon cũng phải đầy đủ dụng cụ và quy trình. Vậy nên mới có chuyện vào ngày nghỉ, cả gia đình mang theo lều bạt, đồ ăn, thức uống, kem chống nắng, mũ, khẩu trang và tất nhiên là đủ 4 cái điện thoại để cả gia đình đi picnic ở công viên, nhưng chủ yếu là bắt pokemon trong công viên.

Không chỉ người trẻ tuổi hay người trung tuổi chơi Pokemon mà thậm chí có cả nhiều cụ ông cụ bà ngoài 60 tuổi cũng chơi. Chả thế mà có bạn Nhật còn ghi dòng trạng thái trên Twitter như sau: “Bà ngoại tôi mới mua iPhone để chơi Pokemon Go. Ha ha ha.”

Sự đam mê của người Nhật đối với pokemon đã lên đến mức mà nhiều vụ tai nạn vì bất cẩn không quan sát đường đi khi chơi pokemon đã xảy ra. Một số lãnh đạo tỉnh Niigata thậm chí đã phải kêu gọi Hiệp hội luật sư Nhật cùng với chính quyền tỉnh Niigata phải sớm đưa ra bộ quy tắc hướng dẫn học sinh cấp 2 và cấp 3 ở Nhật cách chơi Pokemon sao cho an toàn.

4 tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc nước Nhật bao gồm Iwate, Miyagi, Fukushima và Tohoku từng bị tàn phá nặng nề bởi động đất và sóng thần năm 2011 đã có thời hoang vắng không ai muốn viếng thăm, truyền thông đưa tin nhiều khi chỉ là những tin tức, hình ảnh về các thị trấn buồn hiu hắt người. Hàng trăm nghìn người đã rời khỏi vùng đất này, sống trong các nhà tạm và đến bây giờ không ai trở về nữa.

Việt Nam đã thực sự gia nhập sân chơi toàn cầu hóa từ năm 2007, cho đến nay cũng đã ngót nghét 10 năm. (ảnh minh họa)

Và đến tuần này, báo chí Nhật lại đồng loạt đưa tin về việc rất nhiều địa điểm ở các tỉnh trên, dù nằm cách đến cả chục cây số với các một số khu vực đô thị nhưng lại đông đúc một cách bất ngờ.

Nhiều địa điểm tại đây đã được cài đặt hình Pokemon trên hệ thống để người chơi đến bắt, và dù nó xa xôi đến đâu, thậm chí nguy hiểm, thì người già người trẻ Nhật cũng nhiệt tình đến bắt. Họ không gian dối, chơi nhiệt tình và tuân thủ chặt chẽ những quy định của trò chơi.

Đã 5 năm rồi kể từ cái ngày tai họa xảy ra người ta mới lại được nhìn thấy nhiều người đến các khu vực động đất sóng thần đến thế. Những năm qua, chỉ thỉnh thoảng có vài đoàn khách thích mạo hiểm thuê những tour du lịch đến ngó nghiêng trong chốc lát rồi về.

Tất nhiên khi đã đi quãng đường xa như vậy, người đến bắt Pokemon cũng có nhu cầu ăn uống, kiếm chỗ nghỉ ngơi để tiếp tục đi bắt Pokemon, vì thế nên dịch vụ ăn uống, mua sắm do người dân địa phương cung cấp cũng có dịp phát triển hơn.

Những vị lãnh đạo tỉnh đầy trách nhiệm của 4 tỉnh trên cũng như tỉnh Kumamoto vừa mới bị động đất trong tháng 4 năm nay đã ngay lập tức có những cuộc nói chuyện nghiêm túc, nhiệt tình với chi nhánh Nhật của công ty trò chơi Mỹ Niantic (công ty sản xuất ra Pokemon Go). Lãnh đạo 5 tỉnh này đề nghị công ty Niantic gắn thêm các Pokemon ảo vào nhiều địa điểm trong tỉnh để khuyến khích thêm nhiều người đến thăm tỉnh.

Đối với 4 tỉnh từng chịu động đất sóng thần, dù 5 năm đã trôi qua nhưng những chương trình tái thiết vẫn chưa hoàn thành. Họ thực sự cần thêm người đến sống, sinh hoạt hoặc ít nhất là du lịch và chi tiêu để hoạt động kinh tế khu vực có thể hồi phục.

Phát biểu với báo giới, tỉnh trưởng tỉnh Miyagi, ông Yoshihiro Murai, nói: “Tôi hy vọng khi có thêm Pokemon ở tỉnh chúng tôi, sẽ có thêm nhiều người trẻ nữa đến để hiểu hơn về những gì đã và đang diễn ra tại những khu vực còn rất khó khăn này.”

Trong khi đó tại Việt Nam, Pokemon mới ra mắt ngày 6/8, có nghĩa là mới được khoảng 6 ngày. Và chúng ta hãy thử nhìn xem nhiều người Việt đã làm gì với nó?

Ngay sau ngày đầu tiên ra mắt, không ít báo đã đưa tin về tình trạng gian dối trong khi chơi Pokemon. Hàng loạt tài khoản sử dụng gian lận để chơi từ trước vẫn chưa bị Niantic xóa sổ, những tài khoản này sử dụng công cụ gian lận, chuyển IP và địa chỉ GPS sang các nước như Mỹ, Úc,… để bắt Pokémon hiếm lấy điểm cao, có lực mạnh.

Việt Nam đã thực sự gia nhập sân chơi toàn cầu hóa từ năm 2007, cho đến nay cũng đã ngót nghét 10 năm. (ảnh minh họa)

Hậu quả của những hành vi gian lận này là hàng loạt đấu trường Gym trong Pokémon Go đã nhanh chóng bị chiếm bởi rất nhiều Pokémon có lực mạnh (từ 1.000 CP trở lên). Người chơi bình thường khó có thể cạnh tranh với các tài khoản này, dẫn tới tình trạng mất cân bằng trong game, thiếu công bằng cho người chơi trung thực. Có vẻ như ở Việt Nam, người chơi muốn trung thực cũng không được phép trung thực.

Pokemon Go bản thân nó là một trò chơi vận động di chuyển và cùng với đó là chút may mắn. Nếu người chơi chỉ ngồi một chỗ, nhấn các nút di chuyển, nó sẽ không khác gì những trò game thông thường khác

Tình trạng gian lận còn diễn ra phổ biến đến mức thậm chí có những báo điện tử với hàng triệu lượt visit mỗi ngày và cả một số công ty điện thoại di động cũng vào cuộc để mách những cách gian dối khi chơi Pokemon nhằm chiều lòng đối tượng độc giả và khách hàng của họ.

Và mới đây, cộng đồng Google Map Maker Việt Nam đã kêu gọi các cơ quan truyền thông, các hội đoàn hãy gấp rút để bảo vệ dữ liệu bản đồ Việt Nam trên Google map do người chơi Pokemon Go “tự tiện” chỉnh sửa mấy ngày qua.

Theo anh Lê Bách, trưởng nhóm Google Map Maker Việt Nam, không hề dễ dàng để có được nguồn dữ liệu bản đồ mà mọi người đang sử dụng hằng ngày để định vị vị trí, để điều hướng khi sử dụng phương tiện giao thông cũng như tìm các vị trí hữu ích khác như cơ sở y tế, trường học, địa danh… Hàng trăm nghìn người đã góp công xây dựng ra nó, ngày đêm bổ sung, kiểm duyệt và duy trì để tạo ra chất lượng bản đồ tốt nhất cho mọi người sử dụng.

Và người chơi Pokemon Go đã làm gì? Họ cố tình bổ sung các vị trí không có thật gần vị trí của họ nhắm thu hút Pokemon, đồng thời họ cũng không hiểu rằng việc đó đang tạo ra một bản đồ cực kỳ thiếu chất lượng. Rất nhiều công trình công cộng, vị trí giả địa danh đã được thêm vào.

Tần suất gian dối đã lên đến mức trong 2 ngàn gần nhất, mỗi thành viên của Google Map Maker Việt Nam phải từ chối đến 2.000 yêu cầu phê duyệt địa điểm, và cứ 2,3 giây lại có một địa điểm mới được thêm vào. Hệ thống của Google Map Maker đã có lúc gần như tê liệt. Đây là hành vi cực kỳ đáng lên án, xâm phạm quyền lợi và lợi ích cộng đồng chung của người chơi Pokemon Go và tất cả người dân Việt Nam.

Việt Nam đã thực sự gia nhập sân chơi toàn cầu hóa từ năm 2007, cho đến nay cũng đã ngót nghét 10 năm. Trong thế giới toàn cầu hóa, tất cả đều phải tuân thủ những nguyên tắc chung, trong đó nguyên tắc tối thượng là trung thực và chơi đẹp.

Chắc chắn rằng Niantic không hề ưu tiên thị trường Việt Nam khi họ ra mắt trò chơi Pokemon Go với bản đồ Pokemon khá nghèo nàn thưa thớt, ít có Pokemon hiếm, ít trạm Pokestop hơn so với rất nhiều các nước khác. Với sự gian dối ngày càng gia tăng như hiện tại, chắc hẳn sẽ không có gì ngạc nhiên nếu thời gian tới họ cũng không muốn phát triển thêm trò chơi này tại Việt Nam và thậm chí rút đi khi sự gian dối đã lên mức thái quá. Vậy khi đó, tất cả những người chơi Pokemon Go cũng như tất cả chúng ta có được lợi gì không?

Tác giả
Bạn đang xem: Câu chuyện về cách chơi Pokemon Go của người Nhật khiến chúng ta phải suy ngẫm... - Di Động Thông Minh
Viết bình luận của bạn

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *