Hướng dẫn sử dụng cơ bản Android 4.0 ICS - Di Động Thông Minh
Tất cả về Android 4.0 Ice Cream Sandwich
Android 4.0 tên mã Ice Cream Sandwich được Google giới thiệu như một bản nâng cấp toàn diện cho các phiên bản trước đó với rất nhiều thay đổi, từ cách sử dụng cho đến giao diện và bổ sung nhiều tính năng mới. Trong tương lai, Android 4.0 sẽ tiếp tục xuất hiện trên cả những chiếc điện thoại lẫn máy tính bảng và trên mọi phân khúc sản phẩm chứ không chỉ nhắm vào người dùng cao cấp. Trong bài viết này, Tinh Tế sẽ nói về những điểm mới đó cũng như một số thủ thuật để giúp mọi người sử dụng Android 4.0 một cách hiểu quả và đơn giản. Lịch sử ra mắt Giao diện người dùng hoàn toàn mới Thanh cảnh báo mới Quản lí đa nhiệm tốt hơn Việc cắt, dán nội dung đã trở nên đơn giản hơn Bàn phím và Tiếng Việt trên Android 4.0 – Vẫn không xài được Mở khóa bằng khuôn mặt Chụp ảnh màn hình không cần cài thêm phần mềm Hạn chế kết nối Wifi yếu Các ứng dụng mới trên Android 4.0 Lịch sử ra mắt
Android 4.0 tên mã Ice Cream Sandwich được Google giới thiệu như một bản nâng cấp toàn diện cho các phiên bản trước đó với rất nhiều thay đổi, từ cách sử dụng cho đến giao diện và bổ sung nhiều tính năng mới. Trong tương lai, Android 4.0 sẽ tiếp tục xuất hiện trên cả những chiếc điện thoại lẫn máy tính bảng và trên mọi phân khúc sản phẩm chứ không chỉ nhắm vào người dùng cao cấp. Trong bài viết này, Tinh Tế sẽ nói về những điểm mới đó cũng như một số thủ thuật để giúp mọi người sử dụng Android 4.0 một cách hiểu quả và đơn giản. Lịch sử ra mắt Giao diện người dùng hoàn toàn mới Thanh cảnh báo mới Quản lí đa nhiệm tốt hơn Việc cắt, dán nội dung đã trở nên đơn giản hơn Bàn phím và Tiếng Việt trên Android 4.0 – Vẫn không xài được Mở khóa bằng khuôn mặt Chụp ảnh màn hình không cần cài thêm phần mềm Hạn chế kết nối Wifi yếu Các ứng dụng mới trên Android 4.0 Lịch sử ra mắt
Android 4.0 được ra mắt lần đầu tiên vào ngày 19/10/2011 cùng với chiếc Galaxy Nexus do Samsung sản xuất cho Google. Android 4.0 là phiên bản kế tiếp của hệ điều hành Android 2.3 Gingerbread trên điện thoại và cũng sẽ thay thế cho Android 3.0 Honeycomb trên các máy tính bảng. Android 4.0 là một sự kết hợp những ý tưởng hay trong Android 2.3 với bản 3.0 và vẫn duy trì tính mở để mọi nhà sản xuất đều có thể tích hợp vào thiết bị của mình. Android 4.0 hứa hẹn sẽ giải quyết vấn đề phân mảnh của Android cũng như hỗ trợ người dùng thao tác với máy một cách đơn giản hơn, chú trọng vào thao tác đa nhiệm và quản lí thông tin trong máy.
Giao diện người dùng hoàn toàn mới
Khác hẳn với giao diện có tông màu sáng của Android 2.x, Android 4.0 dùng giao diện nhìn hiện đại hơn, đúng với tên gọi “người ngoài hành tinh” của hệ điều hành này. Tông màu chính của bản Android Ice Cream Sandwich sẽ là đen và xanh dương (một số nhà sản xuất khi tích hợp giao diện riêng của mình có thể thay đổi những thành phần nhất định nên giao diện mà mình nói đến trong bài này là bản gốc, chưa chỉnh sửa). Khi dùng giao diện này, chúng ta sẽ cảm thấy như mình đang thao tác với một thiết bị trong các bộ phim khoa học viễn tưởng vậy. Khởi đầu là một màn hình khóa với thao tác mở máy tương tự như Android Honeycomb (có dạng vòng), không phải thanh trượt như các bản Android trước đây. Người dùng có thể kéo theo bất kì hướng nào mà mình muốn nên sẽ thuận tiện hơn trong tình huống đang di chuyển, đi ngoài đường, đi trên xe,… Font chữ mới cũng là một điểm mà chúng ta dễ dàng nhận ra trên Android Ice Cream Sandwich. Google trang bị font Roboto, nhỏ hơn, sắc nét hơn và nhìn đặc biệt hơn là font chữ cũ. Tất nhiên là những chữ hiển thị cũng mang màu xanh dương.
Dãy nút cảm ứng ảo ngay trên màn hình của Android 4.0
Nhắm đến các thiết bị không còn sử dụng nút vật lí, Google trang bị một số nút chức năng ảo ở cạnh dưới của màn hình (hoặc nằm bên tay phải khi xoay ngang máy). Các nút này gồm có Back, Home và Recent Apps. Với các điện thoại Android trước đây, chúng thường có bốn nút: Back, home, Menu và Search. Trên Android Ice Cream Sandwich, nút Menu chỉ xuất hiện khi ứng dụng có tích hợp menu phụ, tương tự như vậy cho nút Search. Các nút ảo khi hoạt động có hiệu ứng khá đẹp mắt, và sẽ được tích hợp khả năng phản hồi rung.Còn đối với những thiết bị cũ đã bố trí các nút này thì sao? Khi đó, dãy nút ảo sẽ không hiện ra, và bạn vẫn có thể dùng các phím vật lí như bình thường. Một số bản mod trên mạng có thể cho phép hiện ra những phím ảo này nhưng có thể vài ứng dụng tùy biến của nhà sản xuất (lấy ví dụ như trình gọi điện, chương trình nghe nhạc của Sony Ericsson trên XPERIA Arc) sẽ bị mất một phần giao diện do chúng không tự thay đổi cho vừa với kích thước màn hình mới đã có nút ảo. Nút tìm kiếm (biểu tượng kính lúp) cũng không còn xuất hiện trên dãy nút chức năng ảo của Android 4.0.
Ngoài ra, biểu tượng ứng dụng cũng được đổi mới khá nhiều trong bản Ice Cream Sandwich. Hầu hết icon đều nhìn thực hơn, rõ ràng và sắc nét hơn. Những biểu tượng này mang nhiều điểm tương đồng với Android 3.x Honeycomb.
Launcher của Android 4.0 có thêm một số tính năng như thay đổi kích thước widget, nhóm các shortcut lại thành một thư mục có giao diện mới và cuối cùng là bổ sung thanh Dock tùy chọn ở cạnh dưới màn hình. Để tạo được một folder mới, di chuyển một shortcut này chồng lên một shortcut khác là thư mục sẽ xuất hiện. Để thêm các shortcut khác vào thì ta chỉ cần thực hiện thao tác kéo thả nó từ ngoài vào thư mục là xong. Thanh Dock bên dưới có 5 mục, trong đó 4 mục hai bên thay đổi được. Bạn được phép kéo thả những ứng dụng từ Home hoặc App Drawer vào đây để có thể kích hoạt nhanh chóng khi cần thiết mà không phải qua nhiều bước dài dòng. Nút kích hoạt App Drawer mặc nhiên không thể chỉnh sửa. Còn đối với việc chỉnh sửa kích thước widget thì chỉ một vài widget được hỗ trợ mới có thể làm được. Nhấn giữ vào một widget bất kì, ta sẽ thấy xung quanh widget xuất hiện khung viền màu xanh dương với các hình thoi nhỏ (là nơi nắm và kéo để resize). Đây là điểm mới so với Android 2.3 nhưng nó đã từng xuất hiện trên Android 3.1 rồi.
Một thay đổi nữa với Launcher mặc định của Android 4.0 đó là chúng ta không thể thêm widget bằng cách nhấn giữ vào màn hình mà các widget được liêt kê thành một thẻ riêng biệt bên trong App Drawer.
Thanh cảnh báo mới
Vùng cảnh báo (Notification) là nơi để các ứng dụng thông báo tiến trình, nội dung mới đến người dùng. Trong phiên bản Android 4.0, Notification được thay mới hoàn toàn, giúp người dùng thuận tiện hơn trong việc sử dụng máy và kiểm soát những thông tin do ứng dụng gửi đến. Phía trên cùng vẫn là nơi thông báo ngày tháng năm hiện tại, nhưng bên cạnh xuất hiện một nút giúp truy cập nhanh vào phần Cài đặt chung cho hệ thống. Nội dung thông báo vẫn xuất hiện ở phần bên dưới, nhưng bây giờ chúng ta đã có thể xóa từng cảnh báo riêng lẻ bằng cách kéo ngón tay từ trái sang phải. Một nút dấu chéo phía trên góc phải sẽ giúp xóa cùng lúc nhiều cảnh báo. Trước đây, khi sử dụng máy, mình chỉ muốn bỏ đi một số cảnh báo và để lại một vài thứ (ví dụ như nhắc lịch) thì không được, bây giờ Android 4.0 đã đáp ứng được nhu cầu.
Nếu chế độ bảo mật của người dùng không cài đặt mật khẩu, hoa văn mở khóa hay mở khóa bằng khuôn mặt mà chỉ dùng thao tác kéo để mở khóa thì vùng cảnh báo có thể được truy cập ngay từ màn hình khóa. Người dùng cũng có thể nhấn vào các cảnh báo để đi đến ứng dụng mà không cần phải mở khóa nữa.
Quản lí đa nhiệm tốt hơn
Đa nhiệm trên Android trước đây rất khó sử dụng, mất nhiều thời gian để chuyển qua lại giữa các ứng dụng nhưng Android 4.0 Ice Cream Sandwich đã giải quyết được vấn đề này. Nút Recent Apps sẽ kích hoạt giao diện liệt kê các ứng dụng đang chạy với hình xem trước. Trên các máy có nút cứng (hoặc không có nút Recent Apps) thì tính năng này được chạy lên bằng cách nhấn giữ vào nút Home. Để chạy hoặc chuyển sang một ứng dụng nào đó, ta nhấn vào hình ảnh xem trước của nó. Tương tự như Notification, một ứng dụng có thể được tắt đi nhanh chóng bằng cách trượt ngón tay từ trái sang phải. Ngoài ra, chúng ta có thể nhấn giữ vào một ứng dụng để xuất hiện thêm menu phụ. Cách chuyển này trực quan hơn nhiều so với liệt kê chỉ biểu tượng phần mềm trong Android 2.x.
Việc cắt, dán nội dung đã trở nên đơn giản hơn
Nếu như trước đây, để sao chép một đoạn văn bản nào đó bằng Android 2.3, ta phải nhấn giữ vào màn hình, chọn đoạn muốn sao chép, sau đó lại phải nhấn giữ tiếp vào màn hình rồi mới được chọn tính năng copy. Bây giờ, Android 4.0 đã đơn giản hóa điều này bằng cách lược giản đi bước cuối cùng. Bây giờ, bạn chỉ cần nhấn giữ vào nội dung mong muốn, chọn khối văn bản là các nút cần thiết như Copy, Cut, Paste, Select All sẽ xuất hiện ở cạnh trên của màn hình. Với một số ứng dụng (chẳng hạn như trình duyệt), các nút này không xuất hiện sẵn mà nằm trong một menu phụ… Dù sao thì cách này cũng nhanh hơn nhiều so với các nhấn giữ để bung menu ở Android Gingerbread, lại không phải lo lắng khi nhấn không đủ lâu thì sẽ mất đoạn văn bản đang chọn.
Bàn phím và Tiếng Việt trên Android 4.0 – Vẫn không xài được
Bàn phím mặc định của Android 4.0 giữ giao diện và bố cục khá giống với bàn phím trên phiên bản hệ điều hành tiền nhiệm, tuy nhiên khả năng hoạt động tăng lên rất nhiều. Giờ đây, bàn phím này đã chuyển thành bàn phím Multitouch, tức có thể nhận được nhiều điểm chạm cùng lúc (hoặc trong những khoảng cách thời gian rất ngắn), chính vì thế tăng độ chính xác nếu như người dùng có nhu cầu gõ nhanh. Hiệu ứng phóng lớn chữ với màu xanh cũng khá đẹp mắt.
Nói về phần Việt hóa các thành phần giao diện, trên chiếc Galaxy Nexus không có Tiếng Việt nhưng chiếc Arc mà mình thử lại có, có lẽ nó phụ thuộc vào nhà sản xuất. Theo cảm nhận của mình, cách dịch các hãng dễ hiểu chứ không gây nhầm lẫn như một số thứ khác có giao diện tiếng Việt. Các câu cú đúng ngữ pháp, đơn giản nhưng vô cùng đầy đủ. Tuy nhiên, một số chữ có dấu phức tạp, ví dụ: “nhữ” thì font chữ có lệch đi đôi chút ở phần thanh sắc. Có lẽ đây là do font Roboto mới. Nhưng ta vẫn có thể đọc ra rõ ràng chữ đó là gì và cũng chẳng ảnh hưởng mấy đến vấn đề thẩm mĩ. Hầu hết các ứng dụng hệ thống như Tin nhắn, Trình gọi điện, trình duyệt, email (không phải Gmail),… đều được Việt hóa nên người Việt chúng ta sẽ dễ dàng tiếp cận với Android hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, điểm trừ của Google đó là chưa tích hợp sẵn tiếng Việt cho bàn phím mặc dù có giao diện tiếng Việt cho hệ điều hành. Android đang phát triển rất mạnh ở Việt Nam, Google nên lưu tâm đến việc này mới phải. Nhưng dù sao đi nữa thì chúng ta cũng còn bạn KyNam với phần mềm GoTiengViet 3. Phiên bản 3 của Gõ Tiếng Việt hoạt động rất mượt mà trên Android 4.0 Ice Cream Sandwich không thua kém gì bàn phím mặc định của Android. Bạn có thể gõ được tiếng Việt theo kiểu Telex, VNI tùy ý thích. Ta còn có thể đổi giao diện bàn phím cho giống với các máy HTC, Samsung hay một số chủ đề khác cũng rất đẹp mắt. GoTiengViet được cung cấp miễn phí trên Android Market.
Mở khóa bằng khuôn mặt
Một trong những tính năng vui vẻ trên Android 4.0 là bạn có thể dùng mặt mình để mở máy thay vì nhấn mật mã hay kéo kéo ngón tay trên màn hình (Face Unlock). Việc mở máy bằng cách nhận dạng mặt giúp chúng ta mở máy nhanh hơn và vui vẻ hơn. Tính năng này tiện lợi nhất là khi chúng ta đang di chuyển nhưng cần phải mở máy vì một lí do nào đó. Không cần phải cầm máy, nhập mật khẩu hay vẽ ra đường hoa văn để truy cập vào thiết bị mà chỉ cần để camera trước của các máy có hỗ trợ về phía mặt và thế là xong. Tuy nhiên có một số trường hợp camera quay không được hoặc lúc chúng ta không còn giống chúng nữa thì máy nó không nhận ra, đặc biệt là nếu độ sáng môi trường bị thay đổi quá nhiều. Hi vọng trong tương lai Google sẽ đưa ra bản nâng cấp khả năng nhận biết gương mật của Face Unlock.
Trong video dưới đây mình thử một số trường hợp mở máy bằng mặt với máy Galaxy Nexus.
Chụp ảnh màn hình không cần cài thêm phần mềm
Google tích hợp sẵn khả năng chụp lại ảnh màn hình trên Android 4.0. Để chụp được, bạn cần nhấn nút nguồn và nút giảm âm lượng cùng lúc, giữ cho đến khi màn hình chớp sáng và có một ảnh thu nhỏ xuất hiện. Ảnh chụp xong sẽ được lưu vào thư mục Pictures/Screenshots trên thẻ nhớ hoặc bộ nhớ trong tùy máy.
Hạn chế kết nối Wifi yếu
Android 4.0 được Google bổ sung khả năng từ chối truy cập vào các mạng Wifi có sóng yếu, do đó người dùng có thể thấy mình bị mất kết nối đột ngột. Nếu muốn bật hay tắt tính năng này, ta có thể truy cập vào phần cấu hình hệ thống Settings > Wireless & Network > Wifi, nhấn phím Menu ở cạnh dưới màn hình > Advanced > Avoid poor connections.
Các ứng dụng mới trên Android 4.0
Gmail
Gmail là ứng dụng có nhiều thay đổi nhất khi lên bản 4.0, đổi mới cả về giao diện lẫn cách quản lí email. Về mặt giao diện, Gmail trên 4.0 có nhiều điểm tương đồng với Gmail trên Android Honeycomb 3.x, điển hình là màu sắc của các nút sáng hơn, nhiều nút chức năng như tạo email mới, tìm kiếm, gắn thẻ và refresh được mang xuống cạnh dưới, giúp người dùng truy xuất nhanh hơn. Khi xem từng email riêng lẻ, tên người gửi được đánh dấu xanh dương cùng với các nút tạo email reply, forward thư,… Cạnh dưới màn hình cũng có thêm các nút chức năng với các biểu tượng dễ hiểu nên thuận tiện hơn khi sử dụng, lại không bị phân tâm khi viết hay đọc email. Các chức năng đặt ở cạnh dưới sẽ di chuyển lên bên trên nếu xoay ngang máy.
Lịch
Tuy không có nhiều thay đổi nhưng ứng dụng lịch của Android 4.0 cũng có vài điểm giúp chúng ta thao tác với máy dễ dàng hơn. Giờ hiện tại được đánh dấu bằng một thanh ngang màu đen ngay trong lịch. Giao diện xem sự kiện trở nên gọn gàng hơn, dễ dàng theo dõi hơn chứ không còn rối như trình lịch mặc định của Android 2.3. Để chuyển đổi cách xem ngày/tháng/tuần, chúng ta cần phải nhấn vào tên của tháng rồi mới chọn lựa được. Muốn thêm nhanh sự kiện, ta chỉ cần nhấn vào ngày, giờ cần thêm thì sẽ xuất hiện một nút “new event” màu xanh dương, tiếp tục nhấn vào đó rồi nhập thông tin chi tiết cho sự kiện.
Trình duyệt
Browser của Android 4.0 cho phép quản lí theo thẻ. Tuy chức năng này đã xuất hiện từ lâu nhưng chúng ta không thể quản lí các trang đang xem một cách hiệu quả và nhanh chóng như trên Android 4.0. Giống như thanh cảnh báo hay khi nhấn nút Recent Apps, những trang web đang mở sẽ hiện lên hình ảnh xem trước. Muốn đóng web, ta có thể dùng nút dấu chéo trên đầu mỗi cửa sổ hoặc trượt ngón tay sang trái, phải (hoặc lên trên, tùy vị trí mà bạn đặt máy) để xóa nhanh. Rất tiện lợi và nhanh chóng.
Điểm đặc biệt là khi chúng ta truy cập vào các trang web hỗ trợ phiên bản xem trên di động, ví dụ như Tinhte.vn chẳng hạn, trong mục menu của trình duyệt sẽ ô chọn “Request desktop site”. Khi tích vào ô này, trang web sữ tự động tải lại với định dạng mobile, còn nếu bỏ chọn thì nó lại quay trở về như bản web dành cho máy tính thông thường. Các trang web cũng hỗ trợ tính năng này nhưng ô chọn của Android 4.0 sẽ giúp chúng ta chuyển qua lại nhanh chóng hơn.
Một điểm mới nữa của trình duyệt trên Android Ice Cream Sandwich đó là tính năng lưu trang web để đọc khi không có mạng (Save for offline reading). Khi bạn ngắt kết nối mạng đi, toàn bộ web sẽ được tải lên, cả hình ảnh, chữ và bố cục đều giữ nguyên. Việc này giúp chúng ta tiết kiệm thời gian và tiền bạc khi cần xem lại trang web cũ.
Movie Studio
Gọi đây là ứng dụng mới nhưng thật ra nó cũng không phải là mới hoàn toàn, chỉ mới đối với điện thoại di động chạy Android mà thôi. Trước đây, ứng dụng biên tập phim này đã từng xuất hiện trên Android Honeycomb rồi. Với Movie Studio, bạn có thể chỉnh sửa phim, cắt phim, chèn nhạc, hình ngay trực tiếp trên chiếc điện thoại của mình. Giao diện của ứng dụng tương đối đơn giản và tính năng cũng không có gì phức tạp nên có thể làm quen khá nhanh. Khi đi du lịch, bạn có thể dùng điện thoại ghi lại những hình ảnh cùng với bạn bè, sau đó đưa vào chỉnh sửa, chèn chữ, hiệu ứng rồi xuất phim và chia sẻ cho mọi người cùng xem. Android 4.0 hướng đến việc đơn giản hóa sử dụng cho người dùng và hệ điều hành đã làm tương đối tốt mục tiêu này. Tinh Tế đã có bài hướng dẫn chi tiết sử dụng Movie Studio , mời bạn tham khảo qua.
Phần cấu hình hệ thống
Settings của các máy chạy Android 4.0 giúp chúng ta thiết lập cấu hình máy nhanh hơn, điển hình là việc mang công tắc Wifi và Bluetooth, hai kết nối thường dùng nhất trên các thiết bị di động, ra ngoài. Người dùng không cần phải truy cập qua vài tần menu mới bật hay tắt được mà các công tắc đã được đem ra ngay màn hình chính của Settings, chỉ việc bật, tắt, vậy là xong. Các phần trong Settings cũng được sắp xếp theo mục gọn gàng nên tìm kiếm dễ dàng hơn, chẳng hạn các tùy chọn về kết nối được liệt vào mục “Wireless & Network”, tùy chỉnh về âm thanh, màn hình, dung lượng, pin, ứng dụng thì nằm trong mục “Device”,…
Trình gọi điện và danh bạ
Trình gọi điện và danh bạ của Android Ice Cream Sandwich được thay đổi về mặt giao diện với tông màu đen xanh và xám giống với các thành phần khác của hệ điều hành. Các nút nhấn gọi lớn hơn, hiệu ứng màu đẹp hơn và danh bạ dễ duyệt hơn. Có thể trong tương lai, các hãng sản xuất sẽ thay thế trình gọi điện và danh bạ mặc định của Android với ứng dụng riêng của họ. Một điểm khá khó chịu ở hai ứng dụng này đó là phần chuyển qua lại giữa bàn phím, call log và danh bạ đã bị di chuyển lên trên, do đó rất bất tiện khi cần chuyển qua lại giữa các thẻ này bằng một tay. Ngón tay phải với lên trên, có khả năng bị rớt máy!
Trong Android 4.0, phần các số liên lạc ưa thích (Favorite) được thay đổi khá nhiều, không còn dạng liệt kê danh sách theo chiều dọc nữa mà các số liên lạc này được chia thành những ô ảnh với tên nằm bên dưới. Như vậy nhìn sẽ đẹp hơn, lại rõ mặt người cần gọi hơn nên hữu dụng với những người dùng lười đọc tên số liên lạc. Khi có cuộc gọi đến hoặc bạn thực hiện cuộc gọi đi, hình ảnh đại diện cũng hiện to hơn chứ không phải là một nhỏ xíu như Android 2.x nữa. Nhưng điểm hạn chế đó là ảnh này khá mờ, không đẹp.
Máy ảnh
Khi giới thiệu Galaxy Nexus và Android 4.0, một trong những tính năng được Google nhắc đến nhiều là tính năng chụp ảnh của chúng. Thật vậy, phần mềm chụp ảnh trên Android 4.0 hoạt động rất nhanh, thời gian chờ giữa hai lần chụp rất nhỏ, khác hẳn với nhiều ứng dụng chụp ảnh khác có trên Android Market. Người dùng có thể chạm vào bất kì điểm nào trên màn hình để lấy nét vào đó.
Ngoài ra, tính năng chụp ảnh toàn cảnh bằng cách xoay máy cũng là một điểm hay của hệ điều hành Ice Cream Sandwich. Một nút gạt nhỏ bên trong ứng dụng chụp ảnh sẽ kích hoạt chế độ này. Để chụp, chúng ta sẽ di chuyển máy từ trái sang phải hoặc từ trên xuống dưới, sau khi hoàn thành thì phần mềm sẽ dựng nên bức ảnh toàn cảnh hoàn chỉnh, và cũng rất đẹp. Tuy nhiên chúng ta nên di chuyển máy càng chậm càng tốt nếu không hình ảnh sẽ bị méo hoặc mờ. Thời gian dựng hình cũng khá lâu nhưng nằm ở mức chấp nhận được.
Ở tính năng quay phim, một chức năng vui vẻ mà Google thêm vào đó là tự động nhận diện mặt người để làm biến dạng nó (miệng to, thu nhỏ mắt, thu nhỏ mặt,…). Máy chỉ làm biến dạng đối với mặt người trong khung ảnh mà máy nhận ra, còn những chi tiết khác không hề bị ảnh hưởng, đó là điểm hay của Camera trên Android 4.0. Ngoài ra còn có tính năng giả lập hình nền ngoài không gian, cảnh mặt trời mọc,… cũng khá hay. Tuy nhiên độ phân giải của phim bị giảm xuống chỉ còn 480p chứ không được 720p hay 1080p như khi quay bình thường.
Thông báo mức sử dụng dữ liệu
Tính năng này rất hữu ích đối với những ai muốn kiểm soát xem mình đã dùng bao nhiêu dung lượng trong một khoảng thời gian nào đó. Nó có tên là “Data Usage” hoặc “Sử dụng dữ liệu” và có thể tìm thấy ở phần cấu hình của hệ thống. “Sử dụng dữ liệu” sẽ cung cấp thông tin chi tiết về mức dung lượng mà từng ứng dụng đã dùng. Biểu đồ bên trên cũng cho biết thêm về nhịp độ sử dụng của chúng ta, rất tiện lợi. Khi nhấn vào từng ứng dụng, một biểu đồ tròn sẽ thông tin cho người dùng về phần trăm dữ liệu đã dùng bởi thao tác trực tiếp vào phần trăm còn lại là lúc ứng dụng chạy nền.
Ngoài ra, Android 4.0 còn cho phép chúng ta thiết lập việc cảnh báo và giới hạn dung lượng Internet di động (GPRS, EDGE, 3G). Ví dụ, khi đặt cảnh báo là 5MB thì máy sẽ tự động thông báo khi bạn dùng 3G đến mức này. Nếu đặt giới hạn dung lượng là 50MB, thì khi dùng đúng 50MB, máy tự động vô hiệu hóa kết nối mạng di động, chúng ta không thể dùng 3G để truy cập Internet được nữa. Tính năng này cực kì h��u ích cho những ai không có nhiều tiền hoặc muốn kiểm soát chặt chẽ mức độ dùng mạng di động. Trước đây, nếu muốn có được chức năng này, ta phải tải về các ứng dụng trên Android Market, và chúng không dễ dùng như phần mềm có sẵn trong Android Ice Cream Sandwich.
Thông báo dung lượng bộ nhớ trực quan hơn
Trên Android Ice Cream Sandwich, trong phần cấu hình máy > bộ nhớ, chúng ta có thể biết được bộ nhớ trong hoặc thẻ nhớ trong của chúng ta có chứa các loại dữ liệu nào (hình ảnh, video, ứng dụng, nội dung tải xuống,…) và mỗi loại như vậy chiếm dung lượng bao nhiêu. Màu sắc của mỗi loại cũng khác nhau nên việc kiểm soát dung lượng trở nên trực quan hơn, người dùng nhận biết dễ dàng đâu là nội dung mình cần xóa để làm trống thẻ nhớ.
Ứng dụng xem ảnh
Gallery mặc định của Android 4.0 đã được đổi mới, tốc độ tải hình ảnh nhanh hơn và lược bỏ bớt các hiệu ứng chuyển động nên cảm giác phần mềm hoạt động nhẹ nhàng hơn. Ngoài ra, Google tích hợp sẵn một số cung cụ chỉnh sửa ảnh cho Gallery, gồm có tinh chỉnh về màu sắc, độ sáng (tự động cân chỉnh, màu sáng, đổ bóng, chỉnh độ tương phản, độ bão hòa màu…), hiệu ứng (ảnh trắnh đen, ảnh cũ, ảnh âm bản…), và có cả tính năng Doodle cho phép chúng ta dùng tay vẽ trực tiếp lên ảnh. Tuy chưa phải là các thao tác chỉnh ảnh nâng cao nhưng chúng có thể giúp người dùng chỉnh sửa nhanh các bức ảnh của mình cho đẹp hơn, sinh động hơn rồi chia sẻ với bạn bè. Trước đây, trình xem ảnh mặc định của Google chỉ có thể xoay ảnh và cắt ảnh mà thôi. Nếu thiết bị của bạn đã cài đặt Dropbox, một nút nhỏ với biểu tượng chiếc hộp màu xanh của Dropbox sẽ được thêm vào cạnh trên màn hình để bạn tải hình ảnh lên tài khoản của mình nhanh chóng hơn là sử dụng nút Share như bình thường. Việc này chưa từng xảy ra trên các phiên bản Android trước.
Trình chơi nhạc
Trình chơi nhạc của Android 4.0 cải tiến rất nhiều về mặt giao diện, không còn khô cứng và nhàm chán như của Android 2.x nữa mà thay vào đó là sự mượt mà như trên Android 3.x. Khi xoay ngang thì ảnh đại diện cho các album đã chơi gần đây được liệt kê rất đẹp mắt, giống như trên Android Honeycomb vậy. Người dùng có thể duyệt qua các thẻ liệt kê album, bài hát, ca sĩ bằng cách trượt ngang ngón tay, không nhất thiết phải chạm vào tiêu đề thẻ. Một tính năng hữu ích mà Google thêm vào trình chơi nhạc mặc định đó là bộ cân bằng âm (Equalizer). Dù không chỉnh được nhiều tần số như các ứng dụng nghe nhạc chuyên nghiệp khác nhưng với người dùng cơ bản thì nó đã giúp nâng cấp chất lượng âm thanh rất nhiều. Hai thanh kéo Bass Boost và 3D Effect cho phép tăng âm trầm và tạo hiệu ứng dụng 3D nhưng chỉ khi cắm tai nghe chúng mới được kích hoạt.
Liệt kê các album nhạc đã phát gần đây
Trình chơi nhạc giờ đây đã có thể liên kết với Google Music để liệt kê các bài hát mà người dùng lưu trữ trên tài khoản của mình, do đó chúng ta có thể chơi nhạc ở bất kì nơi nào có Internet. Tất nhiên, chúng ta vẫn có thêm các tùy chọn như chỉ phát nhạc có trong bộ nhớ máy, chỉ tải nhạc trên Google Music về khi có Wifi (để tiết kiệm tiền) hay tải nhạc về với chất lượng đầy đủ.
Chủ đề hot
Tin xem nhiều
- 1Câu Chuyện Thương Hiệu Mộc Mobile: Đứa con tinh thần của Di Động Thông Minh
- 2Bùng nổ ưu đãi - Khuyến mãi khai trương cùng Mộc Mobile
- 3Đánh giá Xiaomi 14 Ultra: Hoàn toàn có thể áp đảo Samsung S24 Ultra và iPhone 15 Pro Max bằng con át chủ bài
- 4Địa chỉ mua bán iPhone 14 Pro Max cũ tại Hải Phòng uy tín nhất
- 5Đánh giá iPad Pro 10.5 sau 7 năm ra mắt – Hài lòng đến những người dùng khó tính nhất
Bình luận (0)
Viết bình luận của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *