[Đánh giá] Galaxy S III: Vẫn xứng danh siêu phẩm - Di Động Thông Minh

04/03/2019 9553 Tác giả:
Ưu:
– Thiết kế gọn gàng, hợp lý.
– Màn hình rộng.
– Có đầu tư chăm chút kỹ lưỡng về trải nghiệm người dùng.
Nhược:
– Dùng micro-SIM.
– Phím Home khó bấm.
Thế giới di động đang trong những ngày đỉnh cao nhất. Hàng loạt sản phẩm mới với chất lượng và giá thành bao phủ hầu khắp mọi ngóc ngách của thị trường, tạo ra một cuộc chơi vô cùng sôi động. Apple iPhone 4S, Nokia Lumia 900, HTC One X và Samsung Galaxy S III (tạm gọi S3) là những cái tên không thể không nhắc đến khi nói về smartphone trong 2012 này. Hôm nay, chúng tôi xin có dịp điểm qua S3, model Android cao cấp nhất hiện nay của Samsung.
Điểm qua vẻ bên ngoài
Khi chiếc S3 còn chưa ra mắt, nhiều tin đồn râm ran dựa trên các bản vẽ kỹ thuật (rò rỉ) về nó đã gây nhiều xôn xao cho giới công nghệ. Rồi đến khi nhà sản xuất Hàn Quốc chính thức tung ra S3, có nhiều người lập tức cho rằng đây là một “thất bại” về thiết kế, vì “nom chán quá”, “không đẹp”, “thất vọng”…
Nhưng các chỉ trích này nhanh chóng biến mất. Doanh số S3 tăng vọt khiến cho nhiều người ngỡ ngàng. Và nếu không tính các khó khăn mà Apple đã “cố gắng” để hạn chế khả năng tiếp cận người tiêu dùng của S3, có lẽ Samsung đã bán được nhiều hơn sản phẩm mới này. Vấn đề ở chỗ: những ảnh chụp thực tế lẫn render không nói lên hết được bản chất của chiếc máy.
Cảm nhận đầu tiên là trọng lượng chiếc máy. Dù kích thước khá lớn song S3 lại khá nhẹ (133 gram), bạn ít có cảm giác nặng tay khi cầm lâu, ít nhất với chiếc phone “bự” như thế này. Đây là điều mà ảnh chụp không thể thể hiện khi bạn chỉ nhìn qua máy tính. Thực tế thì do kích thước lớn, nên người dùng sẽ có xu thế cầm S3 bằng cả hai tay, điều này phần nào làm giảm đi cảm giác nặng so với chỉ cầm bằng một tay.
Điều giúp cho S3 trở nên khá nhẹ là do nó được làm từ các khối nhựa với viền xung quanh mạ kim loại. Cách thiết kế này phần nào tạo nên nét sang trọng nếu bạn chỉ nhìn từ các cạnh bên. Dĩ nhiên nếu nhìn từ phía sau thì S3 mất đi nét “giả kim” này. Và nếu bạn quan tâm về mặt sau thì đây là lúc nên nói về màu sắc: S3 có vỏ màu trắng hoặc xanh ngọc biển. Cá nhân tôi có thiện cảm với mẫu màu xanh hơn vì nó tạo ra sự đồng màu với màn hình có kích thước 4,8-inch nếu ở chế độ tắt màn hình. Ngoài ra, yếu tố “vân kim loại” thể hiện trên vỏ xanh rõ hơn nên ưa nhìn với tôi hơn.
Lại nói về màn hình, đây là thứ không thể nhắc tới khi nói về S3. Gần như mọi thứ bạn thấy trên chiếc “a lô” này là tấm màn Super AMOLED đạt chuẩn HD (720p). Thực tế mọi trải nghiệm của bạn sẽ dựa trên chiếc màn này và cá nhân tôi cảm nhận màn hình của S3 rất ổn, nếu không muốn nói là hơn hẳn đa số smartphone Android khác vì độ phân giải cao của nó sẽ giúp thể hiện nhiều nội dung hơn, đặc biệt khi lướt web hoặc xem phim.
Phím bấm & cổng giao tiếp
Tất nhiên thiết kế S3 vẫn có điểm trừ. Đầu tiên với riêng tôi là phím Home: quá bé và cảm giác không chắc chắn. Có thể vấn đề bản quyền thiết kế với Apple đã khiến Samsung phải thay đổi lại kiểu dáng phím Home, nhưng tôi nghĩ NSX Hàn Quốc vẫn có thể chọn hình dáng khác thay cho một nút bấm hình nêm “dẹp lép” như vầy. Kết hợp với yếu tố màn hình lớn, bạn sẽ cảm giác khó bấm phím này hơn đặc biệt nếu chỉ dùng một tay.
Dường như các kỹ sư của Samsung muốn giữ cho S3 một vẻ ngoài “chỉn chu” và liền mạch nhất. Ngoài phím Home ra bạn chỉ thấy hai phím khác là tắt nguồn / màn hình và tăng chỉnh âm lượng. Các phím này cũng đồng màu với vỏ ngoài và không thực sự quá nổi bật so với toàn chiếc máy. Chỉ đơn giản vì chúng không thể thiếu nên Samsung không lược bỏ được. Bạn có thể hỏi vậy hai nút Back và Menu nằm hai bên phím Home có dạng cảm ứng chìm thì sao? Sao Samsung không làm chìm luôn cho phím nguồn và âm lượng? Câu trả lời rằng nếu làm cảm ứng thì khi bạn cầm bằng một tay, rất dễ “bấm” nhầm và gây phiền toái.
Trên S3 chỉ có hai cổng giao tiếp duy nhất: micro-USB và jack cắm tai nghe 3,5 mm. Bản thân chiếc cổng kết nối với máy tính trên cũng đồng thời đóng vai trò cổng sạc pin. Cách làm này tuy gọn (khá nhiều điện thoại mới kết hợp chung hai tính năng trên vào một cổng) nhưng có nhược điểm dễ khiến chai pin nếu bạn chỉ muốn sao chép dữ liệu chứ không cần sạc. Dù sao, đây là nét chung cả nhiều máy nên tôi không xem đây là điểm trừ cho S3.
Xem qua bên trong
Việc mở nắp máy trên S3 khá dễ dàng. Vỏ sau của chiếc điện thoại Samsung tuy mỏng nhưng khá bền và dẻo. Bạn hầu như không gặp khó khăn khi muốn thay SIM hoặc thẻ nhớ. Chỉ cần cạy nhẹ vệt lõm ở đáy máy là xong.
Khối pin của S3 có kích thước và dung lượng tương đối lớn (2100mAh), nằm ở giữa thân máy, phía dưới vị trí đèn flash, camera và loa ngoài và bên khe gắn thẻ nhớ cùng với SIM. S3 dùng micro-SIM, một chuẩn mới trên thị trường.
Màn hình
Như đã nói, đây là điểm nổi bật nhất trên S3. Và với kích thước lớn, nếu bàn tay không “đủ” to thì bạn sẽ cần dùng tới hai tay mới kiểm soát được hết chiếc máy. Dùng công nghệ HD Super AMOLED (1280 x 720) nên S3 có ưu điểm nổi bật khi muốn thể hiện nhiều nội dung hơn các smartphone khác.
Tuy màn của S3 chưa phải loại tốt nhất, song cá nhân tôi đánh giá chất lượng hình ảnh trên S3 hoàn toàn “dư xài”. Đặc biệt góc nhìn trên máy khá tốt, bạn có thể để nằm trên bàn và nếu có thông báo tin nhắn thì chỉ cần quay đầu qua một chút để đọc nội dung mà không phải nhìn thẳng chính diện (trong trường hợp bạn “lười chảy thây”).
Màu sắc trên màn S3 khá tốt. Không thật rực rỡ như các đàn anh cũ của mình song tôi thấy vừa mắt với thiết lập mặc định của Samsung. Khả năng hiển thị của S3 vẫn khá ổn khi dùng dưới điều kiện nắng nhiều.
Camera
S3 được đánh giá là một trong các smartphone có chất lượng camera tốt nhất hiện nay, dĩ nhiên không tính tới PureView của Nokia. Và điều này đúng. Nếu chỉ chụp ảnh dạng “amateur” không cần nhiều thiết lập, cũng không dùng tới chức năng zoom, ảnh từ S3 có thể xem tương đương với các máy PnS bình dân trên thị trường.
Thử chụp bằng camera phụ.
Cả hai camera chính và phụ của S3 đều kèm theo công nghệ Zero Shutter Lag cho phép chụp được ảnh ngay tại thời điểm bấm nút mà không cần phải chờ vài phần giây để cảm biến có thể nhận đủ sáng và lưu lại hình. Tính năng này có được nhờ vào loại cảm biến BSI (backside illumination) hoạt động như một cảm biến nền luôn đo sáng môi trường và nhờ vậy, bạn hầu như có thể chụp được ảnh ngay bất kỳ lúc nào. Trong quá trình dùng thử, tôi nhận thấy camera S3 khởi động khá nhanh.
Các ảnh chụp từ S3.
Ngoài ra, một tính năng đáng giá khác trên camera S3 là chụp HDR. Hiểu nôm là “bù sáng chỗ tối, bù tối chỗ sáng” khi phải chụp những cảnh mà ánh sáng trong môi trường được phân chia không đồng đều dẫn đến tình trạng quá tối một số chi tiết và quá sáng các phần khác. Đây cũng là tính năng tôi khá thích trên dòng sản phẩm One của HTC.
Ảnh HDR (trên) và ảnh thường (dưới).
Xem toàn bộ ảnh chụp từ S3.
S3 hỗ trợ quay phim tới mức 1080p. Chất lượng về cơ bản là tốt. Song bạn chỉ nên quay ở mức zoom mặc định. Vì camera của S3 không có lens mà zoom theo cơ chế nội suy nên ảnh sẽ bị vỡ. Có thể thấy rõ điều này ở clip sau khi tôi zoom xuống đường phố (dĩ nhiên khi không zoom thì các chi tiết nhìn vẫn tốt).
Thực dùng
S3 vẫn là một chiếc phone nên chúng ta vẫn cần quan tâm đến các thứ riêng về phone của nó. Về năng lực nghe gọi, cơ bản hiện nay mọi chiếc smartphone đều đáp ứng được từ trung bình cho đến tốt. S3 cũng vậy. Thực tế thì bạn khó lòng nói được liệu chất lượng thoại là do chiếc máy hay nhà mạng. Trải nghiệm của tôi cho thấy S3 đáp ứng tốt chức năng này nếu so sánh với các feature phone khác.
Khi ra mắt S3, Samsung kèm theo một slogan khá “kêu” cho nó “designed for humans” (thiết kế cho con người). Và Samsung không nói ngoa, S3 thực sự có những thứ khá “thông minh” hoặc “nhân bản” (tuỳ cách gọi của bạn).
Nếu thường đọc báo hay lướt web trên smartphone, hẳn bạn biết tình trạng làm tối/tắt hẳn màn hình nếu các thiết lập tiết kiệm pin được huy động tối đa. Khó chịu vì đang xem cái chi đó là điều không tránh khỏi. Hoặc thi thoảng bạn phải “chọt” một phát để giữ màn hình luôn sáng, hoặc bạn tắt bớt các thiết lập tiết kiệm. Samsung giải quyết phiền toái này bằng cách tận dụng chiếc camera phụ ở phía trước màn hình: nó sẽ nhận diện xem trước màn hình có người dùng nào không để luôn duy trì độ sáng của màn hình. Tính năng đơn giản nhưng cực hữu dụng này gọi là Smart stay, được kích hoạt trong phần Display (Settings).
Dùng giọng nói để ra lệnh cho máy không có gì mới. Apple gọi tính năng này là Siri còn Samsung gọi là S Voice. Song chỉ vậy thì không có gì đặc biệt. Samsung sáng tạo ở chỗ cho phép bạn dùng… “ngôn ngữ của mình anh” để “trò chuyện với mình em”! Tức thay vì bạn phải phát âm “đúng chuẩn” thì máy mới hiểu và cách này rất… mỏi mồm (!) thì S3 cho phép bạn tự dùng những từ chỉ bạn “mới hiểu” để làm “mật khẩu” với S3.
Có nghĩa bạn có thể dùng tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Somali, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng chim, tiếng chuột hay bất kỳ tiếng gì mà bạn có thể nghĩ ra để “nói” với S3. S3 sẽ “lấy mẫu” 3 – 5 lần để “nhớ” khẩu lệnh của bạn. Có 8 chức năng trên S3 mà bạn có thể dùng khẩu lệnh để kích hoạt là mở khoá máy, kiểm tra cuộc gọi nhỡ, kiểm tra tin nhắn, bật camera, kiểm tra lịch hẹn, nghe nhạc, xem phim và ghi âm giọng nói. Kích hoạt trong Samsung Unlock Options >> Wake up in Samsung unlock.
Chụp hình bạn bè rồi “tag” nhau, mạng xã hội là thế. Khá nhiều sản phẩm công nghệ mới hiện đã kèm tính năng tự nhận diện khuôn mặt để bạn tag mọi người vào. Tôi còn nhớ lần đầu dùng món này ở trên phần mềm Picasa của Google. Chiếc S3 của Samsung cũng áp dụng điều tương tự và còn tận dụng hơn thế nữa. Social tag sẽ đồng bộ ảnh người được tag với những cái tên có trong danh bạ của bạn. Ngay khi đang xem hình và chợt nhận một người quen nào đó (đã được tag) trong Gallery, bạn có thể gọi ngay cho họ hoặc nhắn tin hoặc gửi mail. Rất nhân bản!
Thực sự với S3, Samsung đã đầu tư khá nhiều thứ giúp nó thêm phần “nhân bản” mà tôi không tiện kể ra hết. Lấy ví dụ bạn vào phòng họp và quên chuyển điện thoại sang chế độ rung hoặc tắt nguồn, một ai đó bất chợt gọi vào máy (đang để trên bàn) mà bạn không tiện nghe, hãy lật úp nó xuống để tắt tiếng.
S3 cũng có một thứ khiến tôi “buồn cười” là bạn có thể “bịt mồm” nó lại khi chiếc phone đang chơi nhạc ở chế độ nền (cửa sổ player không hiện ra) bằng cách áp cả bàn tay lên mặt trước. Sau nữa, Direct call cho phép bạn gọi điện ngay tại chỗ khi đang nhắn tin với ai đó, món này sẽ hữu ích khi bạn đang “thèm” giọng của một người quan trọng nào đấy…
Lời kết
Có lẽ không cần chúng tôi nói nhiều, bạn cũng đã thấy được sự thành công của S3 trên thị trường. Doanh số của chiếc smartphone này trong suốt thời gian qua đã nói lên được điều ấy. Những tính năng mà bài viết này nêu ra hôm nay không “dính dáng” nhiều tới cấu hình của chiếc máy, vốn bị xem là một “tiêu chuẩn” khi bàn về các sản phẩm Android.
Thực sự S3 có hai phiên bản: một dùng chip ARM Exynos 4 nhân A9 (quốc tế) và một dùng chip ARM Snapdragon 2 nhân (Nhật & Bắc Mỹ). Chiếc chúng tôi có ở đây là bản quốc tế chỉ có 1 GB RAM. Trong trường hợp bạn quan tâm vấn đề sức mạnh, hãy lưu ý sẽ có khác biệt trong các bài đánh giá khác nhau của các nước khác nhau. Ở đây tôi không tập trung vào cấu hình mà chỉ thuần trải nghiệm của người dùng.
Xem toàn bộ hình về S3.
Có thể nói những điều tôi không hài lòng chỉ có hai thứ: micro-SIM và phím Home. Vì những ai hiện đang sở hữu một điện thoại thông thường sẽ phải cắt nhỏ SIM của họ mới dùng được với chiếc máy này. Có vẻ Samsung đang muốn thu hút người dùng iPhone 4/4S về phía mình khi họ có thể dùng lại chiếc SIM đã bị cắt nhỏ. Dĩ nhiên bạn có thể dùng micro-SIM adapter nhưng tôi vẫn không thích bị “ép” xài cho lắm. Riêng phím Home bị mất cân đối so với toàn chiếc máy, tương đối khó bấm nếu bạn chỉ cầm bằng một tay. Ngoài ra, không có gì khác để phàn nàn về siêu phẩm này.
Tác giả
Bạn đang xem: [Đánh giá] Galaxy S III: Vẫn xứng danh siêu phẩm - Di Động Thông Minh
Viết bình luận của bạn

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *