17/11/2022
- HaQuyet
Kể từ thời điểm được giới thiệu lần đầu vào năm 2019, điện thoại màn hình gập đã tạo nên cơn sốt vô cùng lớn và ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, vẫn còn hàng loạt vấn đề quan trọng mà điện thoại màn hình gập cần phải giải quyết để xứng tầm cách mạng công nghệ.
Có thể nói, đây có lẽ là một vấn đề nghiêm trọng mang tính sống còn mà các thiết bị màn hình gập phải giải quyết nếu muốn tiến xa hơn. Bạn không chỉ cảm nhận được nó khi lướt tay trên màn hình mà còn nhìn thấy nó hiện lên khá rõ trong các thiết bị của Samsung như Galaxy Z Fold 4 và Z Flip 4.
Nếp nhăn trên màn hình là vấn đề nghiêm trọng đầu tiên mà điện thoại gập cần khắc phục
Các hãng khác như Oppo, Huawei đều đang cố gắng giải quyết vấn đề này với nhiều mức độ thành công khác nhau. Ví dụ, vết hằn trên Huawei Mate X2 được thu nhỏ đến mức “gần như không nhận ra”. Trong khi đó, Oppo Find N chỉ để lại 2 vết hằn nhỏ thay vì một đường lõm trên màn hình. Tuy nhiên, các thành công này lại phải đánh đổi bằng khả năng chống nước kém hơn – một cái giá không hề nhỏ.
Samsung là hãng đầu tiên trang bị khả năng chống nước cho các điện thoại màn hình gập của mình với chứng nhận IPX8. Có thể nói đây là một bước tiến so với các đối thủ, tuy nhiên, thiết bị này vẫn chưa có khả năng chống bụi.
Điện thoại gập thiếu khả năng chống bụi
Nguyên nhân tới từ hàng loạt linh kiện cơ khí làm nên bản lề gập của các thiết bị này, cũng như khe hở giữa bộ khung thiết bị và màn hình, thật khó để ngăn được các hạt bụi cũng như các mảnh vụn nhỏ li ti lọt vào bên trong thân máy và xuống dưới màn hình.
Một vấn đề khác mà điện thoại màn hình là số lượng nhà cung cấp ít ỏi. Samsung, Huawei và Motorola là các thương hiệu lớn duy nhất cung cấp điện thoại màn hình gập ra thị trường thế giới.
Điện thoại gập ít lựa chọn về nhà cung cấp
Trong khi đó, các thiết bị đến từ Xiaomi, Honor, Oppo hay Vivo lại chỉ cung cấp sản phẩm của mình giới hạn tại thị trường Trung Quốc. Nếu muốn thì người dùng phải đặt xách tay.
Dù gì đi nữa có lẽ giá cả chính là trở ngại lớn nhất khiến người dùng ngần ngại tìm đến các thiết bị màn hình gập này. Ví dụ Galaxy Z Fold 4 có giá khởi điểm từ 1.799 USD, cùng thời điểm đó, Galaxy S22 Ultra có cấu hình nhỉnh hơn lại chỉ có giá từ 1.200 USD.
Ngay từ đầu, Samsung và Google đã nỗ lực mang đến tạo ra một trải nghiệm phần mềm phù hợp trong các thiết bị màn hình gập và quả thật họ đã làm rất tốt điều đó. Tuy nhiên, tương thích với phần mềm vẫn là một vấn đề lớn đối với các điện thoại màn hình gập hiện nay.
Vẫn còn nhiều ứng dụng chưa thực sự hỗ trợ màn hình gập kích thước lớn như của dòng Galaxy Z Fold. Ví dụ rõ ràng nhất là Instagram khi cửa sổ ứng dụng chưa chiếm hết toàn bộ màn hình gập mà vẫn chỉ hiển thị giống như trên smartphone thông thường, để lại nhiều khoảng trống trên màn hình.
Hy vọng những vấn đề trên sẽ được giải quyết trong năm 2023, khi có nhiều công ty hơn tham gia vào việc phát triển smartphone màn hình gập cũng như giải quyết các khó khăn trong vấn đề chuỗi cung ứng. Có như vậy khả năng smartphone màn hình gập tiếp cận được nhiều người dùng hơn mới có thể khả thi trong tương lai.