Đánh giá Nexus 4: thiết kế đẹp, cấu hình cao, pin tốt, máy chạy rất nhanh - Di Động Thông Minh

04/03/2019

Hồi cuối tháng 10 năm nay, Google dự tính sẽ tổ chức một buổi hội nghị để công bố những sản phẩm của họ liên quan đến hệ điều hành Android. Tiếc thay, cơn bão Sandy đã ập vào nước Mỹ khiến sự kiện này phải bị hủy bỏ. Tuy nhiên, trong một động thái hết sức bất ngờ, Google vẫn tiến hành công bố ra thị trường những thành viên mới nhất trong gia đình Nexus, bao gồm Nexus 4, Nexus 10 và Nexus 7 3G, đi kèm theo đó là hệ điều hành Android 4.2 Jelly Bean. Trong loạt thiết bị này, Nexus 4 gây được sự chú ý nhiều nhất bởi nó sở hữu một cấu hình có thể xếp vào danh sách các smartphone mạnh nhất hiện nay, trong khi giá bán chỉ bắt đầu từ 299$ cho bản 8GB không khóa mạng. Không những thế, nó mang trong mình hầu hết những điều mà bạn mong muốn từ một chiếc smartphone “con ruột” của Google. Vậy Nexus 4 có những điểm mạnh và yếu như thế nào? Mời các bạn tiếp tục theo dõi bài đánh giá bên dưới.

Ngoại hình, thiết kế

Google Nexus 4 sở hữu rất nhiều điểm thiết kế tương đồng với người tiền nhiệm Galaxy Nexus, có thể kể đến như bốn góc máy được bo tròn, hai cạnh trên dưới uốn cong nhẹ và mặt trước có một màu đen tuyền. Cảm giác khi cầm máy trên tay là rất chắc chắn và tuyệt vời, nhờ có hai mặt kính trước sau mà vẻ sang trọng của Nexus 4 càng được tăng lên thêm. Nếu như Nexus S, Galaxy Nexus nổi bật so với nhiều thiết bị Android khác trên thị trường vì có phần thân cong theo thiết kế “Curve” độc đáo của Samsung thì LG mang hình dáng phổ thông hơn, hai mặt đều phẳng lì. Nexus 4 có độ dày 9,1mm, không quá dày nhưng cũng chưa mỏng và sexy như một số smartphone cao cấp hiện nay như HTC One X, Galaxy S III và thậm chí cũng chưa mỏng như người họ hàng gần LG Optimus G. Mặc dù vậy, mình không cảm thấy bất kì sự khó chịu nào trong quá trình sử dụng. Thiết bị sở hữu trọng lượng 139g và chúng ta có thể cầm nó chắc chắn trong tay, rất thoải mái.

Mặt trước của máy, như đã nói ở trên, là một màu đen tuyền trải dài từ trên xuống dưới. Từ Android 4.0 với Galaxy Nexus, Google đã không còn chủ trương sử dụng các nút chức năng cứng trên máy (Home, Back, Menu), thay vào đó hãng chuyển sang dùng phím ảo trên màn hình. Chính vì thế mà mặt trước của Nexus 4 thêm phần trơn láng. Ngoài ra, toàn bề mặt này được phủ một lớp kính Gorilla Glass 2 và khi ra gần đến cạnh máy thì nó hơi cong nhẹ xuống một chút. Nhờ có đường cong này và thao tác trượt ngón tay sang trái, phải trên màn hình trở nên cực kì dễ chịu, chúng ta không còn thấy cảm giác vướng hay cấn như trên các smartphone khác. Ở đây cũng có một đèn LED thông báo nhỏ nữa.

Mặt lưng của Nexus 4 được LG trang trí hoạt tiết dạng chấm tròn nhỏ, khi nhìn dưới một nguồn sáng thì chúng ta sẽ thấy nó lấp lánh, rất đẹp và lạ mắt. Chúng ta còn có logo Nexus được sơn bóng với kích thước khá lớn, cụm camera 8MP, đèn flash. Nhích xuống phía dưới một đoạn là nơi đặt logo LG và loa ngoài. Ở đây LG cũng ốp lên một lớp kính nữa, nhưng đây chỉ là kính bình thường chứ không phải Gorilla Glass 2 như mặt trước. Do đó, về lý thuyết thì nó dễ vỡ hơn so với mặt trước thiết bị. Mình thì chưa (dám) làm rớt nên chưa biết sao, nhưng một số người dùng trên mạng và cả admin @cuhiep của chúng ta đã làm nứt chiếc Nexus 4 của ảnh khi vô tình làm rớt từ độ cao khoảng 60cm xuống nền bê tông. Thiết kế phẳng như thế này cũng có khả năng khiến mặt sau (và cả phần kính phủ qua camera) dễ bị trầy hơn, mặc dù mình chưa bị tình trạng này ngay cả khi để Nexus 4 chung với chìa khóa và vài vật dụng khác trong túi quần.

Các cạnh bên trên Nexus 4 rất đơn giản với lớp hoàn thiện mềm, khiến tay có cảm giác thích thú và chắc chắn khi cầm sử dụng. Ngoài ra, phần viền này còn được vát cong xuống khiến chúng ta tưởng chừng như máy mỏng đi vài milimét. Ở cạnh trái chúng ta có nút tăng giảm âm lượng, bên phải thì có nút khóa máy. Tất cả ba phím này đều được mạ bóng và nổi bật hẳn so với phần thân còn lại. Vị trí của chúng tương tự như trên Galaxy Nexus. Tại cạnh đáy, LG bố trí cổng microUSB, micro thoại và có thêm hai con ốc 6 cạnh. Cá nhân mình thấy hai con ốc này không đẹp lắm, nó khiến cho máy mất đi vẻ liền mạch của mình. Lên đến cạnh trên cùng bạn sẽ bắt gặp jack tai nghe 3,5mm và micro phụ.

Màn hình

Nexus 4 sử dụng màn hình với công nghệ in-cell, tức lớp cảm ứng được kết hợp chung với lớp hiển thị. Kiểu màn hình như thế này được sử dụng trên iPhone 5 và chiếc LG Optimus G và chính vì thế nên hình ảnh rất nổi và đẹp, mình có cảm tưởng như các biểu tượng hay chữ viết như được in thẳng lên phía trên vậy. Một lợi điểm khác của in-cell đó là nó giúp giảm độ phản chiếu của nguồn sáng ngoài, chính vì vậy mà việc sử dụng Nexus 4 dưới trời nắng sẽ không gặp bất kì khó khăn gì. Màn hình này cho chất lượng hiện thị tốt, hình ảnh sáng, rõ và trong trẻo, tuy nhiên theo đánh giá của mình thì nó chưa rực rỡ và đẹp như trên Optimus G. Nói cách khác, màu sắc hơi nhạt hơn một chút. Ngoài ra, mình được thử hai máy Nexus 4 thì một chiếc màn hình ám vàng, cái còn lại ám xanh. Tuy nhiên nó không gây ra sự bất tiện nào với người dùng cả, và sự khác biệt này có thể là do nguồn cung cấp và xuất xứ thiết bị khác nhau chứ không phải là lỗi.

Nếu như Galaxy Nexus dùng tấm nền Super AMOLED với kiểu sắp xếp pixel theo dạng PenTile thì Nexus 4 dùng màn hình LCD nhưng kiểu subpixel là RGB. Với cấu trúc như thế này, các subpixel có kích thước bằng nhau chứ không phải cái to cái nhỏ như PenTile nên hình ảnh mịn màng hơn. Mật độ điểm ảnh của màn hình này là 318ppi, một con số đủ cao để hình ảnh mượt mà, chữ hiển thị sắc nét và nếu nhìn ở khoảng cách bình thường (ngay cả khi nhìn sát vào máy nữa) thì chúng ta sẽ không thấy các điểm ảnh trên màn hình. Tấm nền IPS+ giúp mang lại góc nhìn rộng rãi, thoải mái nếu bạn muốn chia sẻ nội dung với những người xem xung quanh.

Giống người em anh gần Optimus G, độ phân giải mà LG trang bị cho Nexus 4 là 768 x 1280, tức là có tỉ lệ 5:3 chứ không phải là 16:9 như độ phân giải 720 x 1280 trên Galaxy Nexus hay các smartphone cao cấp ra mắt trong thời gian gần đây. Tỉ lệ này khiến cho màn hình của Nexus 4 lùn và mập hơn so với những máy 4,7″ khác. Ngoài ra, sự xuất hiện của dòng phím chức năng ảo càng khiến không gian hiển thị nội dung bị hẹp lại hơn nữa (theo chiều dọc) nên mình cảm thấy chưa hài lòng về điểm này. Ở Optimus G, cảm thấy khó chịu không tồn tại bởi vì nó dùng các phím chức năng cứng, do đó 100% diện tích màn hình được sử dụng cho việc hiển thị nội dung chính.

Camera

Nexus 4 sử dụng máy ảnh chính có độ phân giải 8 megapixel. Nếu so với Galaxy Nexus, camera mặt phía sau này hoạt động tốt hơn khá nhiều, hình ảnh cho rõ ràng và sắc nét, màu sắc trung thực. Nhưng cũng có một số trường hợp ảnh cho ra khá bệt màu và ảnh kém sắc nét, ngay cả khi chụp với nguồn sáng tương đối tốt. Trong điều kiện thiếu sáng, ảnh kết quả ở mức chấp nhận được, mức độ nhiễu hơi nhiều một chút nhưng vẫn đảm bảo chi tiết vật thể xuất hiện đầy đủ. Nếu bật flash lên thì tình hình được cải thiện đáng kể. Ở galleria ảnh bên dưới bạn sẽ thấy hình mình chụp bông hoa, ở tấm ảnh không bật flash hình ảnh hơi chán, còn khi đánh flash lên thì màu sắc, góc cạnh hiển thị lên một cách xuất sắc. Khả năng chụp ở cự li gần trên Nexus 4 cũng tốt, không gặp vấn đề gì rắc rối.

Mình ấn tượng nhất với máy ảnh của thiết bị này đó là khả năng lấy nét nhanh, kết hợp với phần mềm hoạt động trơn trư, mượt mà nên tiết kiệm tối đa khoảng thời gian chờ giữa hai lần nhấn nút. Nexus 4 sở hữu máy ảnh trước 1,3 megapixel và cụm camera phụ này không có điểm gì nổi bật so với những chiếc smartphone khác hiện nay.

Mặc dù chưa thể mang lại trải nghiệm chụp ảnh ngon lành và hiện đại như One X hay Galaxy S III nhưng Nexus 4 vẫn có thể đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng thông thường, và hơn hết là nó đã khắc phục nhược điểm camera xấu của Galaxy Nexus. Tuy nhiên, nếu bạn là một người đặt chất lượng ảnh lên hàng đầu khi chọn mua smartphone, Nexus 4 chắc chắn sẽ làm bạn thất vọng khá nhiều đấy.

Nhân tiện đang nói về camera, mình cũng muốn nhắc đến giao diện chụp ảnh và phần mềm camera của Android 4.2. Ứng dụng này đã được Google thiết kế theo hướng đơn giản hóa, bạn sẽ chỉ thấy có ba nút xuất hiện trên màn hình mà thôi. Tính năng panorama vẫn được duy trình từ Android 4.0 lên 4.2, tuy nhiên có một kiểu chụp toàn cảnh mới xuất hiện: Photo Sphere. Khi sử dụng chế độ này, bạn sẽ được chụp ảnh theo một dạng một khối cầu, trong đó chúng ta sẽ lia máy đến các điểm mà phần mềm gợi ý. Khi đã hoàn tất, ảnh sẽ được ghép lại và cho ra một không gian ảnh rộng hơn panarama truyền thống. Tuy nhiên, cách ghép hình của máy chưa tốt nên với các ảnh có nhiều chi tiết thì các vật thể dễ bị đứt rời ra. Hình ảnh về giao diện bạn có thể xem thêm ở mục đánh giá phần mềm ở gần cuối bài viết.

Nexus 4 hỗ trợ quay video với phân giải tối đa là 1080p, và chất lượng phim do máy ghi lại chỉ ở mức bình thường. Trong một số trường hợp, máy lấy nét rất chậm, tuy nhiên tình trạng này diễn ra chỉ một vài lần. Hình ảnh cho ra có màu sắc đẹp và trung thực, tuy nhiên hơi nhiễu hạt nhiều nếu quay với điều kiện thiếu sáng. Bên cạnh đó, Nexus 4 cho phép chúng ta chụp hình lại trong khi quay chỉ với một thao tác đơn giản là chạm vào bất kì điểm nào trên màn hình. Mời các bạn xem hai đoạn video thử nghiệm ngay bên dưới.

Hiệu năng, benchmark

Google trang bị cho Nexus 4 một cấu hình thuộc vào hàng top trong những smartphone Android hiện đang có trên thị trường với vi xử lí bốn nhân Snapdragon S4 Pro APQ8064 xung nhịp 1,51GHz, GPU Adreno 320 và RAM 2GB. Dòng CPU bốn nhân này được cho là có sức mạnh vượt trội hơn cả Tegra 3 của NVIDIA. Google cũng có nói rằng Nexus 4 là chiếc điện thoại nhanh nhất thế giới đến thời điểm hiện tại. Mặc dù chưa thể kiếm chứng được phát ngôn này nhưng có một điều hoàn toàn chắc chắn: Nexus 4 mượt hơn hầu hết những điện thoại Android cao cấp khác, ít ra là tính đến tháng ngày 5//12/2012. Ngay cả người anh em Optimus G chạy cấu hình tương tự như trên nhưng cũng chưa thể mượt mà như Nexus 4.

Ngoài cấu hình ra thì có một số yếu tố khác cũng góp phần vào độ mượt này: hệ điều hành Android 4.2 Jelly Bean với Project Butter (Optimus G chỉ chạy Android 4.0), giao diện gốc không tùy biến (Optimus G sử dụng giao diện Optimus 3 do LG thiết kế lại) và sự tối ưu hóa tốt cho phần cứng mà LG và Google đã bắt tay nhau cùng thực hiện. Tình trạng đứng, giật gần như không hề xuất hiện, nếu có thì bạn chỉ thấy chừng 1 giây lúc mới chơi xong một game nặng như Dead Trigger và thoát ra. Tất cả các thao tác duyệt qua màn hình chính, mở đóng app, tùy chỉnh hệ thống đều rất trơn tru. Nói tóm lại, nếu bạn thích một chiếc máy Android siêu mượt thì hãy tìm đến Nexus 4.

Về phần benchmark, Nexus 4 ghi được điểm khá cao ở hầu hết các bài thử nghiệm. Máy dẫn đầu danh sách các thiết bị trong cơ sở dữ liệu của Tinh Tế khi thử đo bằng phần mềm AnTuTu, một trong những phần mềm hiếm hoi đã được cập nhật để tương thích với Android 4.2, với 14.069 điểm. Khi thử khả năng đồ họa, máy tỏ ra vượt trội hơn so với các máy cao cấp hiện nay như One X, S III, Note II ở phần mềm Antutu 3D Marking và NenaMark2. Tuy nhiên, điểm số này chưa tốt như Optimus G, tuy nhiên phần điểm chênh lệch không quá lớn nên ta có thể xem như đây là sai số của phép đo. Một điều đáng nói khác là với Quadrant, phần mềm benchmark được rất nhiều người dùng Android sử dụng, máy chỉ đạt 3991 điểm, thấp hơn rất rất nhiều so với những smartphone mạnh mẽ khác hiện nay. Ngay cả với app Vellamo do chính Qualcomm viết ra và vài công cụ khác cũng thế, điểm Nexus 4 rất thấp. Mình không rõ lý do vì sao, có thể vì chúng chưa được update để dùng với Android 4.2 (lần cuối Quadrant nâng cấp là tháng 7/2012, còn Vellamo là 27/10/2012, trước thời điểm Nexus 4 và Android 4.2 chính thức trình làng).

Pin, nhiệt độ

Như đã nói ở trên, vi xử lí Snapdragon S4 Pro không chỉ có hiệu năng tốt mà nó còn nổi tiếng bởi khả năng tiết kiệm pin vượt trội. Điều này mình đã từng thấy khi đánh giá chiếc Optimus G, và một lần nữa nó lại gây ấn tượng với mình trên Nexus 4. Với mức độ sử dụng khá nhiều: độ sáng tối đa, mở 3G liên tục, push nội dung từ 3 hộp mail và facebook, duyệt web 3G khoảng 1 tiếng, mở Wi-Fi khoảng 4 tiếng, nghe nhạc bằng loa ngoài trong 30 phút, nghe gọi 5 cuộc và nhắn chừng 20 tin nhắn cùng khoảng thời gian nghịch phần mềm khoảng 1,5 đến 2 tiếng, viên pin 2100mAh của Nexus 4 có thể trụ được khoảng 13,5 giờ và vẫn còn 25% pin, đủ cho một ngày làm việc từ sáng đến chiều. Với những chiếc điện thoại khác mình từng dùng qua thì với cùng mức độ sử dụng như trên, máy chỉ có thời lượng dùng pin khoảng 8 đến 10 giờ là đã phải cắm sạc lại. Nếu chỉ dùng ở mức độ bình thường, bạn hoàn toàn có thể cán mốc 1 hoặc 1,5 ngày. Tuy nhiên, viên pin này không tháo rời được.

Trong quá trình sử dụng, mình nhận thấy Nexus 4 nóng lên hơi nhanh hơn so với những smartphone bốn nhân khác, và tất nhiên là nhanh hơn cả Optimus G. Khi duyệt web tầm 20 phút đến nửa tiếng bằng kết nối 3G thì nhiệt độ bắt đầu tăng lên, tập trung chủ yếu ở phần chữ Nexus ở mặt sau. Đây là tình trạng chung của tất cả các máy Nexus 4 và nhiều người dùng cũng đã than phiền về chuyện này. Một số nguồn tin nói rằng nhiệt độ này thực chất là bình thường nhưng chất liệu kính ở nắp sau dẫn nhiệt tốt hơn nhựa nên chúng ta mới cảm thấy nó nóng hơn. Cũng may mắn là khu vực có nhiệt độ cao không nằm gần vị trí đặt ngón tay trong lúc sử dụng bình thường nên mình không cảm thấy khó chịu vì chuyện này.

Hệ điều hành, phần mềm

Mỗi khi ra mắt một thiết bị mới, Google luôn giới thiệu kèm theo một phiên bản mới của Android, và với Nexus 4 là Android 4.2. So với Android 4.1 Jelly Bean mà Tinh tế đã từng có bài đánh giá và cảm nhận chi tiết, Android 4.2 không có nhiều điểm khác biệt mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy. Giao diện holo đen, xanh chủ đạo vẫn được duy trì trên phiên bản hệ điều hành mới này. Bạn có thể xem thêm chi tiết những tính năng mới ở bài viết của anh @TDNC, còn tại đây mình chỉ đề cập đến những khía cạnh, ứng dụng có ảnh hưởng lớn đến quá trình sử dụng Nexus 4.

Nhắc đến phần mềm trên dòng máy Nexus, ai cũng nghĩ đến một chữ “nguyên thủy”. Nó “nguyên thủy” bởi Google không chỉnh sửa gì với bản Android mà hãng cài vào Nexus 4 như những gì các công ty khác thường làm với sản phẩm của mình. Nếu bạn muốn biết Android gốc trông như thế nào, hoạt động ra sao, mời sử dụng thử đến các máy Nexus. Chúng ta không thể tìm thấy hàng loạt tiện ích hấp dẫn trên Nexus 4 như những đối thủ HTC One X/X+, Samsung Galaxy S III/Note II, LG Optimus hay những chiếc Sony Xperia. Thay vào đó, máy chỉ có những thứ căn bản nhất để dùng với một chiếc smartphone, chẳng hạn như trình gọi điện, nhắn tin, trình duyệt (Google Chrome), lịch, thư viện ảnh, bản đồ, camera, một số widget… Một số người sẽ thích những thứ “căn bản” như trên Nexus 4, nhưng một số người khác lại chê rằng dòng thiết bị Nexus quá đơn điệu, chẳng có điểm gì hấp dẫn, tính năng thì quá bình thường. Cả hai luồng ý kiến này hoàn toàn chính xác, không ai sai cả và việc lựa chọn hoàn toàn do ý thích cá nhân mà thôi.

Như mình đã nói ở trên phần camera, ứng dụng chụp ảnh trên Android 4.2 được cải tiến khá nhiều so với những phiên bản đi trước. Hầu hết menu được mang vào một vòng tròn và nó chỉ xuất hiện khi chạm vào màn hình. Việc này giúp ích rất nhiều khi bạn muốn thao tác tất cả mọi thứ chỉ bằng ngón tay cái của mình. Khả năng xử lí ảnh HDR cũng là một điểm mới với tốc độ xử lí khá nhanh.

Một tính năng mới khác của Android 4.2 là khả năng truy cập các kết nối thường dùng thông qua thanh thông báo (Notification Bar). Google gọi đây là Quick Settings. Thực chất đây không phải là một thứ gì đó mới mẻ vì những người dùng ROM cook đã được sử dụng Quick Settings trên Notification từ thời Android 2.3. LG, Samsung cũng có mang tính năng tương tự như thế lên những thiết bị do mình sản xuất từ khá lâu rồi. Mặc dù vậy, trên Android 4.2, các biểu tượng đại diện cho những kết nối không xuất hiện ở cạnh trên cùng của Notification Bar. Thay vào đó, chúng ta phải nhấn vào một biểu tượng nhỏ hoặc kéo hai ngón tay xuống để tiết lộ khu vực tùy chỉnh này. Tuy có tiện hơn thật nhưng có một điểm mình thấy khó chịu và không giống Quick Settings ở những máy khác, đó là khi nhấn vào một nút thì kết nối đó không tắt/mở ngay mà nó dẫn chúng ta vào khu vực tùy chỉnh hệ thống, rồi từ đó mới thao tác tiếp được. Nói chung, nó mất thời gian hơn những gì mình mong đợi ở Quick Settings.

Một chi tiết nhỏ nhưng không thể không nói tới, đó là ứng dụng đồng hồ được cải tiến trên Android 4.2. Có thể bạn sẽ hỏi là đồng hồ thì có gì hay mà phải nhắc đến trong bài đánh giá Nexus 4, nhưng nó cho thấy sự chăm chút của Google ngay cả với một chi tiết nhỏ của hệ điều hành. Biểu tượng giờ trên màn hình khóa cũng như app Clock có phần giờ được in đậm hơn phần phút, và kích thước tổng quan của chúng cũng lớn hơn nên dễ theo dõi hơn. Tính năng canh giờ và đồng hồ đếm ngược cũng được đổi mới gần như hoàn toàn với kiểu giao diện vòng tròn. Chúng ta chỉ cần chạm một vài cái là đã thiết lập xong giờ để đếm lùi, đơn giản và tiện hơn trước nhiều.

Widget là một thứ rất quen thuộc với người dùng Android và trước đây nó chỉ nằm trong Homescreen là chính. Tuy nhiên, bắt đầu từ Android 4.2 thì Google đã cho phép đặt một số widget ra ngoài màn hình khóa của máy luôn. Ví dụ như widget lịch hẹn, Gmail và đồng hồ, giúp cho ta có thể nhìn sơ qua các thông tin này mà không cần phải mở khóa máy. Đặc biệt là Lockscreen giờ đây đã hỗ trợ đa màn hình, tức là bạn có thể vuốt ngang màn hình khóa để chuyển sang các màn hình khác của nó tương tự như trong Homescreen, mình không rõ có tối đa bao nhiêu cái nhưng sẽ có ít nhất là 3 màn hình. Từ màn hình khóa, khi vuốt sang phải thì bạn sẽ thấy có thêm một màn hình Lockscreen nữa ở bên trái, còn khi vuốt sang trái thì camera chụp hình sẽ hiện ra và bạn có thể chụp hình nhanh luôn, không cần phải vuốt trượt mở khóa nữa.

Kết luận

Nexus 4 là một thiết bị rất tốt và có thể dễ dàng được xếp vào danh sách những chiếc máy Android tốt nhất hiện nay. So với Galaxy Nexus, Nexus 4 là một phiên bản được nâng cấp về gần như tất cả mọi mặt. Máy mang trong mình một cấu hình mạnh mẽ, thiết kế thời trang, sang trọng và độ mượt nếu không đứng nhất thì cũng đứng nhì thị trường mà thôi. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số điểm hạn chế trên Nexus mà bạn cần để tâm, đó là mặt kính phía sau tương đối dễ vỡ nếu bạn làm rơi nên cần thật cẩn thận khi sử dụng. Máy hơi nóng trong quá trình sử dụng nên một vài bạn có thể cảm thấy khó chịu vì điều đó. Tuy nhiên, nếu muốn một chiếc smartphone mới và cao cấp ở mức giá hợp lý, bạn hoàn toàn có cho Nexus 4 vào danh sách lựa chọn của mình.

Còn một điều khác cũng liên quan đến sản phẩm, đó là tính đến thời điểm viết bài, Nexus 4 ở thị trường Việt Nam rất hiếm hàng. Nếu mua được hàng xách tay thì cũng ở mức giá khá cao so với con số 299/349 USD mà Google đưa ra, nên xem như lợi thế giá rẻ của máy không còn nhiều. Nếu các bạn đợi thêm một thời gian ngắn nữa khi nguồn hàng nhiều hơn thì giá sẽ giảm. LG cũng được cho là sẽ phân phối Nexus 4 chính hãng tại Việt Nam trong tầm một tháng nữa với giá khoảng 10 hoặc 11 triệu đồng.

Điểm mạnh:
Thiết kế chắc chắn, cao cấp và sang trọng
Màn hình nhìn nổi, sáng rõ
Android 4.2 cực kì mượt mà và có nhiều tiện ích nhỏ hữu ích
Thời lượng dùng pin tốt
Điểm yếu:
Màu sắc trên màn hình hơi nhạt
Mặt kính sau dễ bị vỡ
Máy có nhiệt độ tương đối cao sau một thời gian sử dụng
Camera cho chất lượng ảnh ở mức bình thường

Bài viết liên quan